Trường THCS Thắng Tượng - Thạch Hà

http://thcsthangtuong.pgdthachha.edu.vn


Cần lắm một cây cầu

Vượt gần chục cây số đường rừng, những con dốc cao lởm chởm ổ voi, ổ gà để đến trường là chuyện của hàng trăm học sinh các bản Phục, Tổng Tiến, Tổng Tờ… tại trường cấp 1 và cấp 2 xã Đôn Phục (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

    Từ thị trấn Con Cuông, vượt qua hơn 10km con đường rất xấu, mà nếu vào mùa mưa là lầy lội, nhão nhoét khiến nhiều giáo viên, học sinh phải cột xích vào bánh xe mới có thể đi đến trường, chúng tôi đến xã Đôn Phục, một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông.

     Hai ngôi trường cấp 1 và 2 xã Đôn Phục nằm lọt giữa những quả đồi cao chót vót, cách đó không xa là con suối lớn. Chính con suối này vào mùa lũ năm ngoái đã cuốn sập chiếc cầu đến trường duy nhất của các em học sinh nhiều thôn, bản trong vùng.
 
    Được biết, trường cấp 1 và cấp 2 Đôn Phục có khoảng 400 em học sinh, hầu hết các em là người dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, tỷ lệ các em đến trường thấp, vì vậy mà nhiều thầy cô phải đi đến từng gia đình để vận động, có khi các thầy, cô phải đến tận nhà đưa đón các em đến trường. Việc dạy chữ, học chữ ở đây quả là gian nan khi điều kiện kinh tế còn yếu kém, giao thông đi lại rất khó khăn. Nhiều em học sinh cấp 1 nhà xa cả chục cây số nên mỗi khi đến trường là người lớn phải đưa đón hàng ngày.

 

 

 Hàng ngày, nhiều học sinh địa phương đến trường
 phải đi qua những khu vực đập tràn khá nguy hiểm
.


      Đặc biệt, cứ vào mùa mưa thì việc đến trường lại càng trở nên rất khó khăn. Năm 2012, chiếc cầu duy nhất nối liền trường học với nhiều thôn, bản bị cuốn trôi, cho đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Do con đường đến trường quá gian nan, vất vả, có nhiều em đã phải bỏ học ở nhà. Thương các em, những lần như vậy, các thầy cô lại lội sông, băng rừng đến nhà vận động các em đến trường. Để giảm tình trạng bỏ học giữa chừng, ngoài giờ học, các thầy cô còn phải đi vận động, tuyên truyền đến các hộ gia đình để cho các em đến trường.

   Trao đổi với chúng tôi, thầy Lữ Xuân Dần, hiệu trưởng Trường THCS Đôn Phục cho biết: Hai trường cấp 1 và cấp 2 Đôn Phục nằm sát nhau. Riêng trường cấp 2 có gần 200 học sinh, và 100% các em là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Học sinh của trường tập trung ở 7 thôn, bản thì có đến 5 thôn, bản với khoảng 80 em học sinh ngày ngày phải đi qua chiếc cầu đã bị cuốn trôi. Từ đó đến nay, việc học hành của các em học sinh bị cản trở rất nhiều, đặc biệt là vào mùa mưa, các em thường xuyên phải nghỉ học vì giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Mặc dù việc này ai cũng biết, và nhà trường cũng đã nhiều lần đề nghị với địa phương đầu tư sữa chữa, xây dựng cầu mới, nhưng cho đến nay, cầu vẫn chưa được sửa chữa, xây mới.

 

 

 Cây cầu bị sập cho đến nay vẫn chưa được xây lại, hàng ngày các em
học sinh phải đi qua xác cầu để đến trường, vào mùa mưa lũ thì chắc chắn
 phải nghỉ học.


     Ông Lưu Văn Cứu, Trưởng phòng Công thương huyện Con Cuông cho biết, chiếc cầu tại Bản Phục, xã Đôn Phục được xây dựng theo dự án giao thông nông thôn khoảng 10 năm nay, nối liền 2 xã Đôn Phục và xã Cam Lâm. Sau khi bị cuốn trôi trong mùa lũ năm 2011, địa phương cũng đã đề xuất xin kinh phí đầu tư xây dựng, khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng, nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện. Vì vậy, vào mùa mưa, nước lên cao thì học sinh buộc phải nghỉ học.

    Đôn Phục là một xã đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi dốc và thường xuyên xảy ra lũ quét. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, đảm bảo việc học hành của các em học sinh vùng sâu, vùng xa nơi đây, rất cần sự quan tâm và thực sự vào cuộc của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Còn trước mắt, cần xây dựng cây cầu mới ở vị trí cây cầu bị cuốn trôi, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh đến trường an toàn trong năm học mới./.

                                                                                                                  Ngày 8 tháng 3 năm 2013

Tác giả bài viết: Thành Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây