Trường THCS Thắng Tượng - Thạch Hà

http://thcsthangtuong.pgdthachha.edu.vn


Công nghệ thông tin trong giáo dục: Còn bị xem nhẹ?

Mới đây, trong yêu cầu triển khai nhiệm vụ năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải đẩy mạnh công nghệ thông tin (CNTT) trong các nhà trường.

Nhưng thực tế cho thấy, sự phát triển của CNTT trong giáo dục hiện vẫn chỉ ở bước ứng dụng sơ khai.

Phải chăng, một trong những yếu tố làm hạn chế sự phát triển CNTT xuất phát từ sự bảo thủ, không chấp nhận đổi mới của ngành giáo dục?

Khó chấp nhận vì quyền lợi bị ảnh hưởng

Bàn về vấn đề này, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT Quách Tuấn Ngọc đưa ra cái nhìn khá sát thực, nhưng cũng khiến ai đó giật mình. Đó là sự bảo thủ, khó chấp nhận cái mới của một bộ phận người làm lãnh đạo trong ngành giáo dục, vốn chỉ quen với những "thao tác" thủ công. Trong khi đó, nếu CNTT được áp dụng triệt để vào giáo dục, sức mạnh nó mang lại là tính tiện ích, hiệu quả và sự minh bạch.

Điển hình trong khâu chấm điểm, rà soát thi cử, hỗ trợ giảng dạy, học sinh (HS) sẽ không còn quá phụ thuộc vào thầy, bởi thông qua CNTT, HS có thể tiếp cận nhiều tài liệu, SGK điện tử. Người thầy lúc đó chỉ đóng vai trò hướng đạo, truyền thụ phương thức tiếp cận kiến thức. Nhưng nghịch lý của CNTT là sức mạnh về độ chính xác, độ phủ sóng lớn, nên những người làm lãnh đạo mắc bệnh thành tích sẽ "sợ" CNTT vì nó sẽ công bố những số liệu thực, bức tranh thật mà họ muốn giấu. Bên cạnh đó, sự phát triển chậm của CNTT trong giáo dục hiện nay một phần xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn của nhiều địa phương, có nơi còn coi nhẹ hoặc chưa hiểu được lợi ích của phát triển CNTT trong giáo dục.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn đưa ra chuyện, có nhóm thầy giáo và HS trường THPT An Lạc (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) được giải thưởng về môi trường, nhưng lại không có tiền để ra Hà Nội nhận giải. Thầy phải mượn tiền đưa trò ra Hà Nội, báo chí vào cuộc giúp đỡ, nhưng sau đó trường bị huyện yêu cầu làm bản kiểm điểm vì làm "bẽ mặt" địa phương. Theo PGS Trần Đình Thiên, nếu xã hội cứ vô cảm, bóp nghẹt những mầm tài năng sáng tạo ấy, ngành giáo dục sẽ còn bị hạn chế rất nhiều. CNTT trong giáo dục cũng cần những sân chơi công bằng, lành mạnh, cần sự động viên, khích lệ.

Đặt công nghệ thông tin đúng vị trí

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhận định, trong số các nguồn tài nguyên của đất nước, tài nguyên quý nhất là thông tin, nó không mất đi mà càng nhiều người sử dụng lại càng giàu lên. Vì thế, người làm giáo dục nên hướng đến những mặt tốt mà CNTT mang lại. Với xu thế phát triển của công nghệ internet hiện nay, phát triển CNTT chính là thúc đẩy chúng ta phải đổi mới giáo dục, SGK điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh. Nếu có người thầy giỏi cộng với sự hỗ trợ của CNTT, thì hiệu quả trong giảng dạy sẽ rất cao. Sự đổi mới phải được thực hiện toàn diện từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo. Từ đó mới hy vọng sẽ thay đổi bộ mặt CNTT trong giáo dục, xoá bỏ sự tồn tại hời hợt như hiện nay.

Tuy nhiên, với tầm quan trọng của CNTT đã được thừa nhận, ngay Bộ GD&ĐT lại cũng thể hiện sự chưa đặt CNTT đúng với vai trò vốn có. Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra phản biện, ngay trong "chiến lược phát triển giáo dục 2010 - 2020" cũng không có chữ nào đề cập đến vấn đề giáo dục điện tử. Mà giáo dục điện tử luôn được đánh giá là bước phát triển quan trọng trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong tương lai.

KTĐT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây