Trường THCS Thắng Tượng - Thạch Hà

http://thcsthangtuong.pgdthachha.edu.vn


Mỗi thầy cô giáo là một chiến sỹ thời bình

Trong buổi gặp mặt 128 nữ giáo viên đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Mỗi khi các thầy cô gặp khó khăn hãy nghĩ về thời gian đánh giặc ngoại xâm của ông cha ta…


Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn luôn ghi nhận và đánh giá cao những công sức của các nữ nhà giáo đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp trồng người. Nghề giáo là một nghề thầm lặng, những nữ giáo viên ở vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo lại càng là những người thầm lặng và cần sự chia sẻ nhiều hơn nữa.

Buổi gặp mặt các nữ giáo viên vùng biên giới hải đảo, vùng khó khăn sáng nay đã để lại nhiều cảm xúc. Phó Thủ tướng đồng cảm, mỗi sự sẻ chia, mong muốn của 128 cô giáo chỉ là bề nổi, chỉ là 1/10 sự thật, còn những hy sinh, những mất mát và chịu đựng của nghề giáo các cô chưa nói hết.

Theo Phó Thủ tướng, hiện cả nước có 1,2 triệu giáo viên, trong đó có 800 nghìn là nữ, như vậy cứ 3 giáo viên thì có tới 2 giáo viên từ mầm non tới đại học, nếu không có các cô thì không có giáo dục Việt Nam.
 
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm cảm thông và ghi nhận những công lao to lớn mà các thầy cô giáo đã hy sinh cho sự nghiệp trồng người. Ảnh XT

Phó Thủ tướng cảm thông, chia sẻ và hoan nghênh các giáo viên dám xả thân vì sự nghiệp giáo dục, biết trước những khó khăn nhưng không hề bỏ cuộc, đó là sự hy sinh thầm lặng không gì đổi được.

Ví như cô giáo Nguyễn Thanh Thiêm, giáo viên trường mẫu giáo ở xóm Đất mũi (Cà Mau). Cô Thiêm về xóm mũi dạy học hoàn toàn tay trắng, vận động chính quyền xã xin được 23 mét vuông mở phòng học, sau đó vận động được 24 trẻ tới lớp, cô mừng phát khóc. Qua một năm với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của chính quyền, hiện đã có 5 phòng học, 123 trẻ và 8 giáo viên. Hay như cô Phan Lệ Hằng ở Trà Vinh, dám nhận học sinh khuyết tật vào lớp của mình. Phó Thủ tướng cảm phục trước nghị lực của cô “Chính phủ có hệ số lương cho các thầy cô giáo ở lớp chuyên khuyết tật, nhưng lớp hòa nhập thì không có phụ cấp này, đấy là một điều rất vất vả, các cô rất cực”.

Gương của cô Võ Đặng Mỹ Hạnh, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Đắck Lắc) cũng làm nhiều người cảm phục, cô Thành không phải người Đắck Lắc, sinh ra và lớn lên tại Huế, ở nơi có điều kiện dạy học tốt nhất. Tuy nhiên, cô đã bỏ nơi phồn hoa mà đến với vùng khó khăn nhất. Tất cả những tấm gương đó chỉ đủ nói lên một phần nhỏ bé công sức vất vả của nhà giáo, không thể tính hết được.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, những năm gần đây, Chính phủ cũng đã làm nhiều biện pháp để hỗ trợ cho điều kiện giảng dạy, học tập cho các em ở vùng cao, vùng khó khăn. Điển hình nhất là chương trình Nhà công vụ cho những giáo viên khó khăn, chương trình kiên cố hóa trường lớp đã tạo điều kiện học tập cho hơn 1 triệu học sinh trong 4 năm qua.
 

128 nữ giáo viên được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì sự nghiệp giáo dục.
 
“Mặc dù còn khó khăn chung, chưa thể giải quyết lương cho nhà giáo riêng nhưng Chính phủ đã quyết định thực hiện trở lại chính sách thâm niên cho nhà giáo. Gần đây nhất Chính phủ đã thực hiện chương trình trường bán trú bên cạnh các trường nội trú cho học sinh học tập. Thủ tướng cũng đã có quyết định, học sinh dân tộc ở vùng khó khăn được hỗ trợ ăn trưa bằng hình thức trao gạo hoặc tiền, nhất quyết không để học sinh nhịn đói lên lớp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, để thực hiện những mục tiêu giáo dục trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đang  triển khai, hoàn thiện đề án phát triển giáo dục từ nay tới 2020 và sau đó. Trong đó đề cập tới nhiều nội dung gắn với trách nhiệm của ngành, của xã hội đối với ngành. Những việc làm đang thực hiện tiếp như, phấn đấy phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, vấn đề này còn khó khăn, qua 2 năm đã có 3 tỉnh hoàn thành (Hải Dương, Bắc Ninh và Hòa Bình).

Trong thời gian tới, ngành giáo dục triển khai chương trình dạy ngoại ngữ từ lớp 3, được đánh giá là một chương trình dài hạn (2020 và sau đó), xây dựng chương trình giáo dục phổ thông có tham khảo kinh nghiệm thế giới và phát huy thành quả đã có.

“Chính phủ mong Bộ GD&ĐT sẽ làm việc kỹ với các vùng để chính quyền địa phương quan tâm trong sự nghiệp giáo dục. Các cấp chính quyền tiếp tục rà soát lại sự quan tâm, biện pháp đầu tư của địa phương mình cho giáo dục, nhất là các tỉnh miền núi và hải đảo. Chúng ta hãy nghĩ rằng, không biết ngày mai các cô đi dạy học sẽ mặc quần áo như thế nào, đến bữa ăn các cô ăn gì, soạn bài các cô ngồi dưới đèn điện, đèn dầu hay nến? ” Phó Thủ tướng đề nghị.

Với hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước, chúng ta gửi gắm ở họ không chỉ ở hiện tại mà là 10, 20 và lâu hơn nữa sự tin tưởng, lòng yêu nghề  mãi mãi. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mỗi khi gặp khó khăn trong nghề hãy nhớ về thời kháng chiến để thấy được sức mạnh của ông cha, với lòng mong mỏi đánh giặc giành độc lập. Trong thời bình, chỉ có giáo dục mới đưa đất nước phát triển, mỗi thầy cô hãy là một chiến sỹ trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.

GDVN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây