Trường THCS Thắng Tượng - Thạch Hà

http://thcsthangtuong.pgdthachha.edu.vn


Lan man chợ Tết

Hình như đã từ lâu lắm, như là “ngày xửa ngày xưa…”, những tất bật của mẹ và anh chị tôi vào những buổi chợ phiên luôn dấy lên trong lòng tôi những mơ ước, rung cảm nhè nhẹ, ngọt ngào.

 Vốn là con trong một gia đình viên chức lọt thỏm giữa một xóm nghèo những người làm ruộng, nên giữa anh chị em chúng tôi với chúng bạn cùng trang lứa vẫn có một cái gì thật xa xôi. Và dù bố tôi mất sớm, dù nhà tôi thật nghèo với một lũ con lúc nhúc gánh trên đôi vai gầy của mẹ, tôi (có lẽ một phần được cưng chiều vì là con út) vẫn không phải chịu cái lấm láp của những buổi mót lúa, mót lạc, những buổi mò cua bắt ốc hay hái trộm ngọn khoai lang về trừ bữa. Hiển nhiên, cũng như thế, trong khi lũ trẻ láng giềng cứ đến buổi chợ lại theo người lớn để xách vài quả bưởi, vài cân khoai, vừa cho nhẹ gánh, vừa cho nhẹ bớt phần thuế chợ phải nộp cho mấy ông quản thị trường mang xắc vải đeo băng đỏ bặm trợn, thì tôi vẫn loanh quanh với mấy cuốn sách, vài củ chuối hì hụi tự đẽo lấy đồ chơi cho mình. Và thế, những gì tôi hình dung về chợ vẫn là những tưởng tượng qua lời bàn tán của bọn trẻ trong làng, để rồi thèm biết bao một lần được đến cổng chợ để mà xem sự đông đúc của nó, để có cảm giác thống khoái được dạo những cửa hàng bánh đúc, bánh mướt nghe nói dậy mùi thơm khiến bao nhiêu người nhỏ dãi trong buổi đói kém triền miên; được nhìn và bình phẩm về những người đàn bà che nón không phải để làm duyên, mà để vụng chồng, vụng con, vụng cả người quen ăn quà - thường là bánh mướt - ở chợ… và với bao nhiêu điều thích thú khác.

Tò he, một đồ chơi ngày Tết đặc biệt của trẻ em

Đào phai/ta luôn là hàng hoá nổi bật nhất của phiên chợ Tết từ xưa đến nay

Hoa Lay - ơn từ nhiều năm nay đã khá phổ biến ở xứ Nghệ

Các cô chủ hàng hoá ngày Tết

Mai vang từ miền Nam đã thâm nhập vào đời sống văn hoá Tết xứ Nghệ khoảng hơn mười năm nay

Một lần, mẹ tôi hứa sẽ cho tôi đi chợ tết. Quê tôi nghèo, chợ họp phiên năm ngày một lần. Và mẹ tôi đưa ra lời hứa ấy vào ngày 25 tháng chạp, và tôi cứ khắc khoải chờ cho thời gian trôi thật nhanh đến ngày 29. Trong những ngày chờ đợi ấy, trong đầu tôi cứ chập chờn bóng những người bạn áo đỏ chạy lon xon, những cô yếm thắm che môi lặng lẽ dấu cái duyên của mình, những bà cụ lão tóc trắng phau bán hàng bên miếu cổ, những bức tranh gà hút hồn lứa tuổi tôi… như trong bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ (bài này tôi thuộc lòng từ hồi còn nhỏ nhờ nghe lỏm từ anh chị - những người tay đan lát phụ vào đồng lương còm của mẹ, mắt liếc bên cạnh cuốn sách giáo khoa, có khi là Thơ mới, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du kí…).

Chợ nghèo, có gì ngoài mấy củ khoai, cân gạo, lạc, đỗ, mấy con gà, con vịt, mấy thứ đồ nan… đủ để làm nên diện mạo một vùng quê trung du xa trung tâm tỉnh. Chắc hôm nay tôi may mắn được dự một phiên rôm rả hơn bởi cái không khí tưng bừng của ngày tết. Chợ đông, kẻ bán người mua tấp nập. Hương tết dậy lên bằng mùi khói trầm ai vừa đốt, bằng cái xanh mướt của từng gánh lá dong về từ đâu miền ngược, miền rào Giăng, rào Trai, rào Rộ... Hình như trong số những người bán lá dong có cả vài ba ông anh con bà cô tôi đã rời làng hồi nảo hồi nao theo tiếng gọi kinh tế mới. Kinh tế mới (hồi đó người ta hay gọi là đi nông trang) vẫn mấy bó củi và lá dong cho cả nhà ăn một cái tết tạm bợ. Những người anh gót chân nứt toác, da đen sạm sau những ngày vào rừng đốt than, đốt củi, lại mai mái vì những cơn sốt rét triền miên vẫn kiên nhẫn trong buổi chợ gió đông hoai hoải (có nhiều cái tết chúng tôi không phải mua lá dong, chè xanh nhờ những người anh quý hóa này). Trên những tấm ni lông cáu bẩn và tanh tưởi, sền sệt màu máu thâm niên là những súc thịt hoặc đỏ lòm hoặc hồng nhợt nhạt, những súc mỡ trắng với tiếng lọc cọc của dao thớt chạm nhau. Không biết trong số đó có miếng nào giành cho tôi trong ba ngày tết, để mà giải cơn khát thịt triền miên, bởi mỗi năm may được ba bốn lượt biết mùi thịt vào các ngày giỗ tết. Ở một góc chợ người ta bán những câu đối chủ yếu có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác. Hồi ấy chưa có mốt chơi tranh chữ như bây giờ. Một góc khác, người ta bán pháo, người mua chen chúc, đốt thử đì đùng, có người cháy cả áo (nghe nói đã có lần, có cửa hàng pháo cháy rụi, chết người). Đâu đó có tiếng chửi bới vì tranh mua tranh bán, vì giá thấp giá cao, … Tiếng chửi ngày tận năm sao nghe da diết, nghe ai oán. Lại có cả tiếng huỳnh huỵch đấm đá, tiếng ồn ào la ó vì người ta bắt được kẻ ăn cắp. Mấy ông xắc cốt băng đỏ biến đâu mất. Một người đàn ông mù cùng đứa trẻ phong phanh chiếc áo cũ, lê la hát những bài hát nghe rền rĩ của “phía bên kia” hồi trước 1975: Tỉnh lẻ đêm buồn, Xuân này con không về… Vẫn ông già ấy, mấy năm sau ở đó, vào phiên chợ tết, sẽ hát những bài hát đá đỏ bằng cái giọng xẩm ai oán rất đặc trưng của người mù.

 Cho mâm ngũ quả

Ngoài 30 tuổi, tôi lại về chợ tết. Chợ vẫn ở địa điểm cũ và vẫn những mái lều tạm lơ thơ. Nhưng cái đông vui của ngày xưa đã theo năm tháng, theo sự chuyển dịch của trung tâm mà xuôi xuống thị trấn, và chợ tết cũng mất dần trong ý niệm của con người (chợ mới với các nhà đình khang trang, quy hoạch hiện đại ngày nào chả họp). Không thấy các anh con o tôi nữa, giờ thì họ đã già rồi, cuộc sống chắc khá hơn, và cũng ít ai cần đến họ trong buổi chợ này bởi bây giờ nhu cầu về củi, lá dong đang ít đi. Bây giờ có bếp ga, bếp điện, bây giờ bánh chưng đặt, bánh chưng mua. Chợ nay đầy quần áo, vải vóc, bánh kẹo, hoa quả, và nhất là sự xuất hiện ngày một dày đặc hơn những cành đào, những rừng đào. Đào phai thanh thoát, nhẹ nhàng hình như lép vế trước những cành đào nhật tân đỏ ngắt, tím bầm. Tôi không biết ngày xưa cụ Thôi Hộ, cụ Nguyễn Du… đã viết về cành đào nào, nhưng tôi cứ theo ý thích mà đoán rằng khơi mạch cảm hứng thi ca ấy phải là những đóa đào phai năm cánh tao nhã, thanh thoát đang nép mình dưới gốc đa già sần sùi nhẫn nại kia, bên cạnh bà cụ Sửu bán hàng mã trên cái chõng tre đang ngồi chờ lượt khách cuối (chứ không phải là cô hàng xén với mảnh gương con khêu mộng ước linh tinh trong tứ thơ Phan Huy Dũng). Cả cành đào mà ông Tô Hiệu đã trồng ở nhà tù Sơn La nữa…  Kẻ bán người mua tấp nập, chen chúc trườn ra phía lòng đường. Xe cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông dẹp đường rú còi inh ỏi, đằn lên cả bức tranh chữ ai đó vừa lấn ra.

Chợ họp đến quá trưa thì vãn. Tôi cũng về và không có thời gian để nghĩ nhiều. Chiều nay đi tảo mộ, mai bắt đầu cúng tết, chắc rồi trước bàn thờ cũng chỉ có tôi, mẹ và những người anh cực khổ của tôi cùng mấy đứa cháu lít nhít năm ba tuổi. Mấy đứa lớn hơn chắc ba ngày tết không về, chúng còn bận “chiến nhau” bằng mấy bài game trong quán net.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây